Điều tra hệ sinh thái vùng triều trên đảo Ba Mùn
23/11/2019 10:20:27 AM
Thực hiện chương trình công tác năm 2019 của Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long. Phòng Bảo tồn biển, đất ngập nước đã tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 355/KH-VQG ngày 18/10/2019 về điều tra hệ sinh thái vùng triều đảo Ba Mùn. Thời gian triển khai Kế hoạch từ ngày 30/10-02/11/2019,với nội dung chính là điều tra, đánh giá sơ bộ đa dạng thành phần loài, trữ lượng và xác định các loài có giá trị kinh tế cao để lập phương án quản lý, bảo tồn phù hợp và hiệu quả. Công tác điều tra được thực hiện bằng phương pháp điều tra theo tuyến; thiết lập các mặt cắt và lập các ô tiêu chuẩn trên mặt cắt tại các vùng cao triều, trung triều, hạ triều của khu vực nghiên cứu. Trên các ô tiêu chuẩn(03 ô có kích thước1mx1m) tiến hành thu mẫu các loài sinh vật; phân loại,đo đếm số lượng và cân trọng lượng các loài thu được; quan sát, so sánh số lượng, thành phần loài trên tuyến điều tra (qua các sinh cảnh khác nhau) với các mặt cắt và ô tiêu chuẩn.
Qua kết quả điều tra vùng triều tại khu vực đảo Ba Mùn cho thấy sự phân chia thành hai vùng rõ rệt; vùng triều mặt phía Đông đảo Ba Mùn có 02 hệ sinh cảnh(Hệ sinh cảnh vùng triều đá, hệ sinh cảnhthực vật ngập mặn)trong đó hệ sinh cảnh vùng triều đá đóng vai trò chủ đạo. Về địa hình vùng triều có độ dốc khoảng 20°(chiều rộng từ vùng cao triều đến vùng thấp chiều trung bình khoảng 40m); thành phần các loài sinh vật khá đa dạng và phong phú, trong đó nhiều loài giá trị kinh tế cao như(Bào ngư Haliotis, Hải sâm đen Black Sea Cucumber, Cầu gai Arbacia lixula gratilla, ốc mầu Monodonta labio, ốc đá (ốc mặt trăng) Turbo bruneus, ốc đụn (ốc mặt trăng miệng đỏ) Turbo petholatus). Vùng triều mặt phía Tây đảo Ba Mùn có 03 hệ sinh cảnh(Hệ sinh cảnh vùng triều đá, hệ sinh cảnh thực vật ngập mặn, hệ sinh cảnh cồn cát); trong đó Hệ sinh cảnh bãi cồn cát và Hệ sinh cảnh thực vật ngập mặn chiếm vai trò chủ đạo. Về địa hình vùng triều có độ dốc thoải khoảng 5°(chiều rộng tính từ vùng cao triều đến vùng thấp triều trung bình khoảng 80m). Thành phần các loài sinh vật qua đánh giá sơ bộ tại khu vực phía tây đảo Ba Mùn tương đối đa dạng trong đó có các loài có giá trị kinh tế cao như: (Sá sùng Sipunculus nudus Linneaus, Ngaođen Meretrix meretrix, Bông thùa Antillesoma antillarum, Ốc nhảy da vàng Strombus canarium (Lamarck), Ngán Austriella corrugata, ốc mặt trăng (ốc đá)Turbo bruneus).
Tổng hợp kết quả điều tra cho thấy tại hệ sinh thái vùng triều khu vực đảo Ba Mùn có 3 hệ sinh cảnh chính, thành phần các loài sinh vật biển đa dạng, với trên 10 loài sinh vật biển có giá trị kinh tế cao. Qua đó, có cơ sở định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn phù hợp nhằm phát triển bền vững nguồn lợi. Chương trình giám sát vùng triều sẽ được Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long định kỳ tổ chức thực hiện hằng năm.
Một số hình ảnh đợt điều tra:
Tác giả: Bùi Hữu Cường
Lượt xem: 5561
|