Thu thập mẫu vật phục vụ công tác trưng bày, quảng bá giá trị tài nguyên
07/07/2024 06:33:44 AM
Trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, hoạt động về thu thập mẫu vật các loài động, thực vật đặc trưng trong Vườn quốc gia làm tiêu bản sẽ phản ánh được sự phong phú của các nguồn tài nguyên sinh vật; đồng thời, thông qua các tiêu bản được lưu giữ tại Nhà bảo tàng đa dạng sinh học sẽ góp phần quan trọng trong nghiên cứu khoa học cũng như tuyên truyền, quảng bá các giá trị tài nguyên tại Vườn quốc gia Bái Tử Long. Thực hiện Kế hoạch số 258/KH-VQG ngày 02/5/2024 của Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế đã triển khai hoạt động thu thập mẫu vật rừng trên 02 tuyến thuộc đảo Trà Ngọ lớn: Tuyến Trạm Kiểm lâm Cái Lim - Trà Thần và tuyến Cái Đé - rừng Kim giao.
Đối với mẫu thực vật: Tại hiện trường tiến hành chọn mẫu vật theo quy chuẩn bao gồm hoa, quả và lá, mẫu lá chọn mẫu không bị biến dạng, không bị sâu bệnh, không còi cọc và cũng không lấy mẫu quá tốt từ chồi non. Mỗi loài tiến hành lấy từ 4-8 mẫu để chọn lấy 2-4 mẫu đẹp đạt yêu cầu. Mẫu cắt có chiều rộng và dài tương đương với khổ giấy A3. Mẫu thu đảm bảo hình thái của lá, hoa, quả; mặt trên, dưới của lá; lá đơn hoặc lá kép, số lượng lá chét; hoa chùm hay đơn độc; quả phải bổ đôi để thấy được số lượng bầu và hạt.
Trèo lấy mẫu đối với một số loài thực vật tầng cây cao
Thu thập một số chỉ tiêu sinh trưởng khi thu mẫu đối với tầng cây cao
Lựa chọn theo tiêu chí để tiến hành cắt mẫu
Đối với mẫu bướm, côn trùng: Sử dụng vợt cầm tay để bắt những loài côn trùng (bướm), xác định được mục tiêu và hướng di chuyển của mục tiêu, hướng vợt về phía trước để đón đầu đường bay của mục tiêu, khi mục tiêu bay lại ta tiến hành vợt và khoá vợt lại, sử dụng bẫy đèn kết hợp với vợt cầm tay để bắt các loại côn trùng dễ bị dẫn dụ bởi ánh sáng.
Sử dụng vợt lưới để thu mẫu các loài bướm, côn trùng bị dẫn dụ bởi ánh sáng
Tất cả các mẫu vật sau khi được thu thập ngoài hiện trường sẽ được cố định trong khung tiêu bản để ép (đối với thực vật) và cố định tạm thời bằng vật liệu bìa cát – tông (đối với các mẫu bướm và côn trùng) để đưa về xử lý tại phòng làm việc.
Cố định mẫu tại phòng làm việc
Kết thúc đợt thu mẫu, đã thu thập được tổng số 50 mẫu của 19 loài (Trong đó, 30 mẫu thực vật và 20 mẫu bướm, côn trùng). Ngoài ra, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế còn tiến hành thu 10 mẫu của loài Cúc chỉ thiên (Elephantopus scarber L) – Đây là loài cây thuốc quý, có nhiều giá trị về mặt dược liệu, tốt cho sức khoẻ con người. Việc phát hiện ra loài cây này cũng bổ sung thêm vào Danh lục các loài thực vật trong Vườn quốc gia.
Hoạt động thu thập mẫu vật tiếp tục mang lại nhiều thành công trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là việc lưu giữ các nguồn gen này phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu khoa học và mục tiêu tuyên truyền, quảng bá các giá trị tài nguyên sinh vật phân bố trong Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Tâm
Lượt xem: 231
|