Triển khai công tác điều tra hiện trạng phân bố một số loài cây gỗ lớn và thu thập mẫu vật, tiêu bản đợt 3 năm 2023 tại đảo Ba Mùn
23/08/2023 01:57:07 PM
Thực hiện Kế hoạch số 311/KH-VQG ngày 17/7/2023 và Kế hoạch số 354/KH-VQG ngày 31/7/2023 của Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long, từ ngày 14-18/8/2023, phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế tiến hành điều tra hiện trạng phân bố một số loài cây gỗ lớn kết hợp với việc thu thập mẫu vật trên tuyến Cụm đảo Máng Hà và khe suối Cao Lồ (mặt Tây) - Suối Cao Lồ (mặt Đông) với chiều dài toàn tuyến trên 4km.
Đối với nội dung điều tra phân bố cây gỗ lớn: Đoàn công tác đã tiến hành điều tra dọc theo hai bên tuyến (theo hình xương cá) có chiều rộng mỗi bên 10m, điều tra thực trạng phân bố và tiến hành đo đếm các chỉ tiêu của cây như: Chu vi, chiều cao vút ngọn, phẩm chất cây, đặc điểm vật hậu… và dùng tấm ALU để đánh dấu lên điểm D1.3 đối với cây đạt chu vi từ 180cm trở lên. Các chỉ tiêu thống kê, đo, đếm được ghi chép vào Phiếu điều tra cây gỗ lớn.

Trên tuyến điều tra, Đoàn công tác đã sử dụng máy GPS và điện thoại thông minh có cài phần mềm chuyên dụng để lưu tuyến đường, tọa độ vị trí các cây gỗ lớn trên tuyến. Các thông số được ghi lại trong phiếu điều tra cây gỗ lớn đã được chuẩn bị sẵn như: Tên loài, tọa độ, chu vi điểm D1.3 , chiều cao vút ngọn, phẩm chất cây.. Chụp ảnh và gắn biển đánh số thứ tự cây được phát hiện…


Ghi chép các thông số và đánh số thứ tự tầng cây cao

Sử dụng thước Bumley để đo chiều cao cây
Trên cơ sở điều tra thu thập trên tuyến đã ghi nhận được 11 cá thể cây gỗ lớn có chu vi từ 190-600cm, thuộc các loài như: Vối thuốc (Schimawalli chiichoisy), Vạng trứng (Endospermum chinense), Đa (Ficus bengalensis, Nhội (Bischofia trifoliate (Roxb.) Hook), Lòng Mang (Pterospermum diversifolia Bl), Chân chim (Schefflera octophylla)…
Đối với nội dung thu thập mẫu vật: Cũng trên tuyến điều tra cây gỗ lớn, Đoàn công tác đã tiến hành thu mẫu một số nguồn gen cây rừng như: De, Nhóc, Mò roi, Chanh rừng, Gội, Giàng giàng xanh, Chuẩn, Trẩu hạt (3 hạt), Kháo nước, Ba bét vân nam, Mai rừng, Trọng đũa, Ngát giả, Sao hải nam, Xương gà, Trường keo, Bông trắng, Chắp, Thị…và một số mẫu vật thuộc lớp côn trùng, bướm và động vật thuỷ sinh nước ngọt.

Thu mẫu thực vật rừng trên tuyến
Trong quá trình thu thập mẫu vật, các loài được lấy mẫu (từ 2-3 mẫu/loài) đều được ghi chép các thông số về chiều cao, đường kính, phẩm chất, đặc điểm vật hậu và toạ độ vị trí các loài thu mẫu. Đối với côn trùng và bướm, sử dụng vợt (thu mẫu ban ngày) và ánh sáng dẫn dụ (thu mẫu ban đêm); thuỷ sinh nước ngọt, sử dụng lưới và các dụng cụ đánh bắt khác để tiến hành thu mẫu.

Ép cố định mẫu tạm thời sau khi thu về
Kết thúc đợt điều tra và thu mẫu vật, tiêu bản đã phát hiện 11 cây gỗ lớn; thu thập được khoảng 60 mẫu thực vật của 20 loài và một số mẫu côn trùng, bướm, động vật thuỷ sinh nước ngọt phục vụ trưng bày tại Nhà bảo tàng đa dạng sinh học.
Một số hình ảnh trong quá trình triển khai:





Tác giả: Nguyễn Hải Phong
Lượt xem: 319
|