Điều tra, giám sát hệ sinh thái cỏ biển năm 2023 tại Vườn quốc gia Bái Tử Long
10/08/2023 02:08:08 PM
Thực hiện Kế hoạch số 215/KH-VQG ngày 22/5/2023, từ ngày đến 24 – 28/7/2023 phòng bảo tồn biển, đất ngập nước đã triển khai thực hiện điều tra, giám sát hệ sinh thái thảm cỏ biển tại Vườn quốc gia Bái Tử Long với 02 nội dung chính: (1) Điều tra phân bố cỏ biển bằng phương pháp lặn sử dụng bình khí tại các khu vực: Đông Ma, Cái Lim, Chương Di, Lách Chè, Ổ Lợn; (2) Giám sát cỏ biển: Khu vực Cái Lim.

Cỏ biển tại Đông Ma
Về nội dung điều tra gồm 02 phương pháp chính:
(1) Về phương pháp điều tra phân bố: Tại khu vực điều tra, nếu phát hiện có cỏ biển, ta di chuyển theo đường mép ngoài của thảm cỏ biển để xác định ranh giới của thảm cỏ biển đó; trong quá trình di chuyển sử dụng thiết bị GPS, la bàn xác định hướng và toạ độ các điểm trên đường ranh giới. Sử dụng kết quả tracklog trên GPS để biết diện tích cỏ biển tại khu vực.
(2) Về phương pháp giám sát cỏ biển: Căn cứ kết quả điều tra phân bố để xác định toạ độ khu vực giám sát, chọn địa điểm đại diện được cho các quần xã cỏ biển để thiết lập các tuyến và mặt cắt giám sát. (-) lập tuyến: Các tuyến được đặt vuông góc với bờ theo hướng từ vùng trên triều đến nơi không còn cỏ biển phân bố, các tuyến giám sát được đặt song song với nhau, cách nhau không quá 100m. (-) lập mặt cắt: Mặt cắt được thiết lập trong phạm vi các tuyến đã lập, mặt cắt được đặt từ chỗ nông ra chỗ sâu của thảm cỏ biển. Trên các tuyến đã lập ta xác định và đặt 03 mặt cắt: mặt cắt 01 đặt ở vùng triều ven bờ, mặt cắt 02 đặt ở giữa và mặt cắt 03 đặt ở rìa ngoài cùng của thảm cỏ biển, các mặt cắt phải được ghim cố định và đánh dấu bằng GPS để các năm tiếp theo giám sát. Số lượng các điểm trên mặt cắt giám sát để đặt khung chuẩn (Quandrat) lấy mẫu phụ thuộc vào kích thước chiều rộng của thảm cỏ biển, các khung chuẩn thu mẫu được bố trí ngẫu nhiên và được lựa chọn từ trước theo số mét trên thước dây. (-) Xác định phần trăm độ che phủ của cỏ biển trong khung chuẩn và đánh giá sinh lượng cỏ biển.
Sau 5 ngày triển khai thực hiện nhiệm vụ, Đoàn công tác đã đạt được một số kết quả nhất định: Về điều tra phân bố, tất cả 05 khu vực tiến hành điều tra đều có cỏ biển phân bố, tổng diện tích cỏ biển tại các khu vực điều tra ước tính sơ bộ là 6.536 m2.
Về thành phần loài, đã xác định được 01 loài cỏ Xoan (Halophila ovalis (R.Brown) J. D. Hooker, 1858), thuộc họ thuỷ thảo (Hydrocharitaceae), bộ trạch tả (Alismatales), Về độ phủ, cỏ biển tại Cái Lim trung bình đạt 9,20%, kết quả điều tra sinh lượng nguồn lợi cỏ biển phân bố tại Cái Lim tại các mặt cắt giám sát, đại diện cho thấy sinh lượng trung bình đạt 7,70g/m2.

Cỏ biển tại Cái Lim
Cùng với các hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển đóng vai trò rất quan trọng trong cả hệ thống các hệ sinh thái ven biển rộng lớn và có mối tương tác qua lại với môi trường sống này. Vì vậy trong thời gian tiếp theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long sẽ tiếp tục triển khai các đợt điều tra, giám sát và đề xuất các dự án, chương trình điều tra nhằm bảo vệ HST này cũng như có các số liệu tổng hợp hàng năm để góp phần đánh giá hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ hệ sinh thái cỏ biển và nguồn lợi thủy sản đối với các khu vực.
Dưới đây là một số hình ảnh điều tra, giám sát của nhóm:




Tác giả: Trần Hoài Nam
Lượt xem: 465
|