Hoạt động tuần tra bảo vệ rừng gắn với giám sát quần thể Nai tại Vườn quốc gia Bái Tử Long
13/10/2021 03:09:16 PM
Trạm kiểm lâm Ba Mùn thuộc Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long, nằm độc lập trên đảo Ba Mùn với hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh trên đảo đất có diện tích gần 2 nghìn ha, bao quanh là những lạch biển của vịnh Bái Tử Long. Một sáng mùa thu, sau cơn mưa rào trong đêm, trời quang mây tạnh, các cán bộ chiến sỹ kiểm lâm viên Trạm kiểm lâm Ba Mùn lên đường tuần tra bảo vệ tài nguyên rừng gắn với giám sát động vật hoang dã trên đảo. Vừa đi tuần tra rừng vừa trao đổi, anh Phạm Ngọc Biên một kiểm lâm viên địa bàn đã có nhiều năm gắn bó với đảo Ba Mùn cho biết: Sau cơn mưa, đường tuần tra bị mưa làm mềm đất nên dấu vết động vật thường hay để lại trên vết đường đi. Đi được khoảng 20 phút Tổ tuần tra ghi nhận sự xuất hiện nhiều dấu vết của Nai (dấu chân, phân) vẫn còn mới trên tuyến đường tuần tra, với kích thước dấu chân rộng đến 5 cm.

Hình ảnh dấu chân, phân nai trên tuyến đường tuần tra
Theo lời anh Phạm Thế Toàn – nguyên Trạm phó Trạm Kiểm lâm Ba Mùn: “Vào thời điểm tháng 01/2021, có một cá thể Nai đực có trọng lượng khoảng 100kg xuống khu vực bãi triều gần Trạm, anh em đã ghi lại được hình ảnh và phát tiến động để cá thể Nai đen trở vào rừng”
Theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007, Nai (Cervus unicolor Keer, 1792) thuộc bộ móng guốc ngón chẵn (Artiodactyla), họ hươu nai (Cervidae). Đây là loài có thân cỡ lớn, trán có hàng lông theo kiểu xoáy hình chữ V, tai có hai túm lông, con đực có sừng. Thức ăn của chúng bao gồm cỏ, lá cây, quả cây. Nai sinh sản theo mùa, sinh sống theo quần đàn từ 3-5 con. Trên thế giới, Nai phân bố ở các nước Nê – Pan, Ấn Độ, Sri-Lanca, Malaysia, Indonesia. Tại Việt Nam, chúng phân bố rộng ở nhiều vùng rừng núi và hải đảo, đây là loài có giá trị kinh tế cao: Thịt làm thực phẩm, da thuộc làm hàng da, gạc làm đồ trang trí và nấu cao, nhung làm dược liệu nên thường xuyên bị săn bắt. Chính vì thế, số lượng ngày càng suy giảm đáng kể do nạn phá rừng làm nương rẫy, khai thác và chặt phá rừng bừa bãi đã và đang làm giảm vùng sinh sống và ngăn cách các khu vực phân bố (VU A1c,d B1+2a,b).
Tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, nơi duy nhất tại vùng Đông Bắc Việt Nam vẫn còn tồn tại một quần thể Nai với những cá thể trưởng thành có kích thước lớn, có con trọng lượng ước tính tới hàng trăm kilogram. Vào thời kỳ động dục và ghép đôi từ tháng 8-10 hàng năm, những cán bộ kiểm lâm trong quá trình đi tuần tra thường xuyên bắt gặp những dấu chân Nai trên các tuyến đường tuần tra.
Với việc tiếp tục ghi nhận sự xuất hiện nhiều dấu vết của Nai trên các tuyến đường tuần tra, có thể thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã trên đảo Ba Mùn được triển khai rất tốt đã góp phần bảo tồn các nguồn gen động vật hoang dã và làm tăng tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Hoạt động tuần tra gắn với giám sát động vật hoang dã:

Tác giả: Nguyễn Kiên Hà
Lượt xem: 889
|