Xây dựng mô hình điểm về du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn biển tại Vườn quốc gia Bái Tử Long
30/11/2020 02:55:01 PM
Du lịch là một trong số ít phương thức khai thác tài nguyên trong các khu bảo tồn mang lại lợi ích kinh tế và du lịch sinh thái hay du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên là một giải pháp tiềm năng giải quyết mâu thuẫn của quá trình "bảo tồn hay phát triển". Trên lý thuyết cũng như trên thực tế, du lịch sinh thái cung cấp những biện pháp hình thành những lợi ích kinh tế để bù đắp chi phí của hoạt động bảo tồn. Thêm nữa, các hình thức du lịch sinh thái còn mang lại những phương thức liên kết giữa các khu bảo tồn với cộng đồng cư dân địa phương thông qua việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương và giáo dục nhận thức về môi trường sinh thái và vai trò của nó, qua đó cộng đồng dân cư sẽ chính là những chủ thể tích cực nhất tham gia vào quá trình bảo vệ các hệ sinh thái và giá trị đa dạng sinh học tại các Khu bảo tồn. Đó chính là mục tiêu cao cả mà du lịch sinh thái mang đến cho các Khu bảo tồn. Kết quả nghiên cứu đã tìm ra 06 lộ trình du lịch sinh thái dự kiến triển khai tại Vườn quốc gia Bái Tử Long. Bên cạnh đó, nhiệm vụ đã lựa chọn được 01 mô hình điểm về du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn biển thông qua việc trồng phục hồi rạn san hô tại khu vực đảo Mang Khơi. Sau 01 năm trồng phục hồi kết quả cho thấy 03 giống san hô đều có thể sử dụng để trồng phục hồi được và đều có tỷ lệ sống cao đạt từ 89 - 97,6%. Tốc độ tăng trưởng trung bình sau 7 tháng trồng phục hồi đạt 0,95cm/7 tháng, đạt ở mức trung bình đối với các loài san hô ở dạng khối.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Vườn quốc gia Bái Tử Long được thành lập ngày 01/6/2001 trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên đảo Ba Mùn theo Quyết định số 85/2001/QĐ-TTg ngày 01/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Vườn quốc gia Bái Tử Long có tổng diện tích tự nhiên 15.783 ha. Trong đó, diện tích phần đảo nổi là 6.125ha còn lại 9.658ha là diện tích mặt biển. Vườn quốc gia Bái Tử Long là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái đa dạng và phong phú: Hệ sinh thái rừng thường xanh trên đảo núi đất; Hệ sinh thái rừng thường xanh trên đảo núi đá vôi; Hệ sinh thái rừng ngập mặn; Hệ sinh thái thảm cỏ biển; Hệ sinh thái rạn san hô; Hệ sinh thái tùng, áng...
Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long được phê duyệt nhằm phát huy những giá trị tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học trong Vườn quốc gia Bái Tử Long. Để cụ thể hóa một số nội dung trong Đề án phát triển du lịch và đứng trước nhu cầu tất yếu của việc hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu Xây dựng mô hình điểm về du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn biển tại Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Mục tiêu chung của nhiệm vụ: Xây dựng được 01 mô hình du lịch sinh thái kết hợp công tác quản lý, bảo tồn biển tại Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Mục tiêu cụ thể: (1) Thí điểm cung cấp một số hoạt động du lịch sinh thái (câu cá giải trí kết hợp bắt ốc, tham quan hệ sinh thái rừng tự nhiên, lặn ngắm san hô và các sinh vật biển, thám hiểm đáy biển, trải nghiệm làm khoa học biển,...) làm căn cứ bổ sung thêm giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bái Tử Long; (2) Bảo tồn, duy trì và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên tại 01 mô hình điểm về du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn biển.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Tài nguyên du lịch sinh thái và rạn san hô.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Khảo sát các lộ trình có tài nguyên du lịch đặc sắc
Điều tra, khảo sát 6 lộ trình du lịch sinh thái dựa trên các giá trị tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học trong Vườn quốc gia
Tiêu chí lựa chọn: (1) Nơi có tài nguyên du lịch đặc sắc (cảnh quan, môi trường hoang sơ, kỳ vĩ; có hệ sinh thái rừng tự nhiên; có các hoạt động sinh kế của người dân); (2) Có khả năng cung cấp dịch vụ trải nghiệm làm khoa học biển; (3) Đảm bảo các điều kiện an toàn cho khách du lịch.
Trồng phục hồi san hô làm nơi cư trú cho các loài thủy sản
Khoanh vùng triển khai mô hình: Khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt 20.000m2; khoanh vùng trồng phục hồi 500m2.
Ứng dụng giá thể nhân tạo: Giá thể là bê tông dạng vòm (reefball): đường kính 0,6 m, cao 0,3 m, có 14 lỗ, đường kính lỗ từ 8 cm, dày 4 cm trong đó có 6 lỗ để trồng san hô và 8 lỗ cho sinh vật chui vào cư trú.
Thả giá thể nhân tạo:
Đường bờ

Bước 1: Chuẩn bị dây 22m (có móc nối khuy 2 đầu) được cắm cố định song song với bờ.
Bước 2: Móc vòng 01 đầu (đoạn 9m) vào điểm đầu tiên của dây 22m và căng hết đoạn 22m trùng với đoạn 22m cố định vòng 2.
Bước 3: Một người cầm dây 15m (có móc nối khuy 2 đầu) một người cầm dây được cố định tại 02 điểm của dây 9m. Sau đó lặn, đến khi gặp nhau, tiếp đó cố định 2 điểm đó sao cho 2 dây có độ căng như nhau (như vậy ta tạo được góc vuông đầu tiên). Sau đó tháo đoạn dây 9m và 15m.
Bước 4: Chia các điểm tương ứng với các giá thể tại dây 12m thành các điểm (điểm đặt các giá thể: 1,5m, 1,5m, 1,5m, 2m, 1,5m, 1,5m, 1,5m).
Bước 5: Móc vòng 01 đầu dây (đoạn 9m) vào điểm thứ 2 của dây 22m.
Bước 6: Tương tự bước 3 mỗi thợ lặn kéo 02 dây 12m và 15m đến khi gặp nhau tạo thành điểm cố định sau đó hạ giá thể xuống chèn cọc, cố định điểm và giá thể (ta có góc vuông thứ 2).
Bước 7: Buộc các điểm với giá thể đặt tại các điểm đó rồi cắm cọc sắt tương ứng vào các điểm đó (1,5m, 1,5m, 1,5m, 2m, 1,5m, 1,5m, 1,5m).
Bước 8: Chia dây 22m thành các điểm tương ứng với các giá thể: (tổng 15 điểm trên dây 22m).
Bước 9: Dùng dây 22m khác nối vào 02 điểm cọc vuông góc với dây 22m đầu tiên (điểm thứ 2 của dây 12m), sau đó lần lượt cắm cọc sắt để cố định các điểm thả giá thể, tiếp tục rải dây và đóng cọc sắt cho đến hết các điểm của dây 12m. (tổng có 7 điểm).
Trồng san hô trên giá thể nhân tạo:
Cụm số 1: Trồng san hô cứng với tổng số 6 tập đoàn/giá thể x 20 giá thể = 120 tập đoàn.
Cụm số 2: Trồng san hô mềm với tổng số 6 tập đoàn/giá thể x 20 giá thể = 120 tập đoàn.
Cụm số 3: Trồng san hô cứng với tổng số 6 tập đoàn/giá thể x 20 giá thể = 120 tập đoàn.
Cụm số 4: Trồng san hô mềm với tổng số 6 tập đoàn/giá thể x 15 giá thể = 90 tập đoàn.
Cụm số 5: Trồng san hô cứng với tổng số 6 tập đoàn/giá thể x 15 giá thể = 90 tập đoàn.
Cụm số 6: Trồng san hô mềm với tổng số 6 tập đoàn/giá thể x 15 giá thể = 90 tập đoàn.
Tổ chức tour và thí điểm một số sản phẩm du lịch sinh thái (câu cá giải trí kết hợp bắt ốc, tham quan hệ sinh thái rừng tự nhiên, lặn ngắm san hô và các sinh vật biển, thám hiểm đáy biển, trải nghiệm làm khoa học biển,...)
Khách du lịch đảm bảo 2 điều kiện:
(1) Là người tại địa phương hoặc ở địa phương khác, có sở thích tìm hiểu, khám phá những giá trị tự nhiên, có đủ sức khỏe để trải nghiệm.
(2) Có đơn tự nguyện tham gia và trải nghiệm một số sản phẩm du lịch theo nội dung nhiệm vụ.
Nội dung trải nghiệm các hoạt động DLST: Lặn ngắm san hô, câu cá giải trí, tham quan hệ sinh thái rừng, trải nghiệm lặn thám hiểm đáy biển và tham gia nghiên cứu khoa học biển.
Yêu cầu trước khi lặn SCUBA để kiểm chứng mô hình: hướng dẫn cách sử dụng áo phao, bình khí và các kỹ thuật cơ bản trước khi tiến hành lặn. Trong quá trình lặn, mỗi cán bộ kiểm chứng sẽ được 01 thợ lặn (đã có chứng chỉ Advance Water) lặn kèm.
Phương pháp thu thập và xử lý số liệu
Số liệu được thu thập từ khách du lịch theo các phiếu nhận xét, đánh giá của du khách sau khi kết thúc việc trải nghiệm từng lộ trình. Các số liệu về sinh trưởng, tỷ lệ sống của san hô trồng phục hồi được thu thập thông qua bảng Reefcheck. Số liệu được lưu trữ và xử lý trên phần mềm Microsoft excel.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Khảo sát các lộ trình có tài nguyên du lịch đặc sắc
Kết quả việc khảo sát đã chỉ ra 06 lộ trình có tài nguyên du lịch đặc sắc nhất trong Vườn quốc gia Bái Tử Long:
- Lộ trình 1: Cái Rồng – Soi Nhụ – Làng chài Cống Lão Vọng – Trạm Kiểm lâm Ba Mùn – Trạm Kiểm lâm Cái Lim – Mang Khơi – hòn Thiên Nga – Cái Rồng.
- Lộ trình 2: Bảo tàng đa dạng sinh học - Cái Rồng – Trà thần (hòn Thiên Nga) – Cửa Vành – Sậu Nam – hòn Chín – Cái Rồng
- Lộ trình 3: Cái Rồng – Cặp hẹp - Ổ lợn – Cảng Minh Châu – rừng Trâm – bãi Rùa đẻ – bãi tắm Chương Nẹp – Cái Rồng
- Lộ trình 4: Cái Rồng – Trà Thần – Hòn Di To – Cái Rồng
- Lộ trình 5: Cái Lim – áng I – áng II – rừng Lim xanh, Ô tiêu chuẩn – Trà Thần – Cái Rồng
- Lộ trình 6: Cái Rồng – trạm Kiểm lâm Lách Chè – rừng ngập mặn – Hầm pháo – Lách Chè – Cái Rồng
 
Bản đồ tiềm năng và lộ trình du lịch sinh thái
3.2. Kết quả trồng phục hồi san hô
Tỷ lệ sống:
Tháng 5/2020, các cán bộ của Vườn quốc gia Bái Tử Long đã tiến hành trồng xong 630 tập đoàn san hô trên 105 giá thể nhân tạo dạng vòm được chia thành 06 ô trên diện tích 500m2 tại khu vực hòn Mang Khơi. San hô giống sử dụng trong quá trình trồng là san hô chiếm ưu thế trong khu vực này là giống Goniopora.
Loài trồng phục hồi
|
Tháng 9/2020
|
Tháng 11/2020
|
Goniastrea aspera Verrill, 1866
|
98,6
|
97,6
|
Pavona cactus Forskål, 1775
|
91,7
|
89,2
|
Goniopora
|
90,3
|
89
|
- Trong số 630 tập đoàn san hô đã được trồng đến hết tháng 11/2020 có tổng số 51 tập đoàn san hô bị chết (trong đó lần kiểm tra vào tháng 7/2020 có 29 tập đoàn, tháng 9/2020 có 42 tập đoàn, và đến tháng 11/2020 tổng số là 51 tập đoàn). Như vậy, tỷ lệ sống của san hô sau 1 năm trồng phục hồi tại hòn Mang Khơi khá cao trung bình đạt 90,6 %.
- Tỷ lệ sống giữa các loài được phục hồi cho thấy Goniastrea aspera Verrill, 1866 có tính thích nghi tốt hơn cả đạt tỷ lệ sống cao hơn so với 02 loài còn lại, tỷ lệ sống của loài này sau 03 đợt kiểm tra định kỳ đều ổn định trung bình đạt 98,2%.
- So sánh với kết quả chương trình phục hồi san hô cứng tại Hòn Ngang, tỉnh Bình Định năm 2002-2004 (Võ Sỹ Tuấn & cộng sự, 2009) cho thấy san hô trồng phục hồi trên nền san hô chất (tỷ lệ sống cao nhất đạt từ 85-100%), thì san hô cố định trên giá thể bê tông tại Mang Khơi tỷ lệ sống tương đối như nhau không có sự chênh lệch lớn.
- Theo các nghiên cứu trước đây của Phân viện Hải dương Học Hải Phòng năm 2003, và trường Đại học Huế năm 2012 và gần đây nhất là trong báo cáo San hô của nhiệm vụ “Nghiên cứu giá trị hệ sinh thái tùng, áng trong lòng núi đá vôi, núi đất xen kẽ núi đá vôi tại Vườn quốc gia Bái Tử Long” cho thấy loài san hô cứng Goniastrea aspera Verrill, 1866 thuộc họ Faviidae Bộ san hô đá Scleractinia có dải phân bố rộng trong vịnh Bái Tử Long, phù hợp với nền đáy, điều kiện sóng gió, thủy triều và dòng chảy tại khu vực hòn Mang Khơi,
- Phần trong của giá thể dạng vòm sau khoảng thời gian 3 tháng đã quy tụ được rất nhiều loài sinh vật cư trú như: Cá; giáp xác, trên giá thể đã có nhiều thực vật, nhuyễn thể cùng sinh sống (hải sâm đỏ, cầu gai…).
- Một trong các lý do lý giải các tập đoàn san hô đạt được tỷ lệ sống cao như vậy là do việc lựa chọn nguồn giống san hô tại chỗ thích hợp với môi trường địa điểm khu vực khoanh vùng thả (khu vực được thả là khu vực được lựa chọn có nền đáy cứng, và nền đáy là nền có san hô chết) tạo môi trường ổn định và duy trì được tỷ lệ sống cao.
- Nguyên nhân san hô bị chết:
+ Các tập đoàn san hô bị chết trong thời gian này có thể do san hô bị sốc khi đục tách từ tập đoàn lớn (do kỹ thuật tách san hô của nhóm thực hiện nhiệm vụ chưa thuần thục gây ra tình trạng san hô bị tổn thương);
+ Trong quá trình vận chuyển các tập đoàn san hô từ nơi có nguồn giống san hô đến địa điểm phục hồi, một số tập đoàn khi di chuyển đã gặp phải mưa nên đây cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng san hô bị chết)
+ Có 11 tập đoàn san hô bị buộc không chặt (vì nhiều tập đoàn dạng khối tròn nên rất khó buộc) san hô bị đong đưa không ổn định dẫn đến san hô bị chết.

San hô trồng trên các giá thể nhân tạo
Tỷ lệ tăng trưởng:
Tốc độ tăng trưởng của san hô nghiên cứu theo các ô
Ô giá thể
(loài)
|
Số tập đoàn theo dõi
|
Mức tăng trưởng trung bình (cm/tập đoàn/7tháng)
|
Ô số 1
(Goniastrea aspera)
|
120
|
1,12
|
Ô số 2
(Goniopora)
|
120
|
0,80
|
Ô số 3
(Pavona cactus)
|
120
|
0,77
|
Ô số 4
(Goniopora)
|
90
|
0,89
|
Ô số 5
(Goniastrea aspera)
|
90
|
1,38
|
Ô số 6
(Goniopora)
|
90
|
0,84
|
So sánh mức độ tăng trưởng của san hô theo loài
Tên giống
|
Số tập đoàn theo dõi
|
Mức tăng trưởng trung bình (cm/tập đoàn/7tháng)
|
Goniastrea aspera
|
210
|
1,25
|
Goniopora
|
330
|
0,84
|
Pavona cactus
|
90
|
0,77
|
Trong 3 giống được lựa chọn tại khu vực thì loài san hô Goniastrea aspera và loài Goniopora chiếm ưu thế hơn cả so với loài Pavona cactus; sau một thời gian nghiên cứu và theo dõi loài có mức độ phát triển tốt nhất (trung bình đạt 1,25cm/7 tháng) là loài Goniastrea aspera ; loài Pavona cactus có mức độ tăng trưởng chậm nhất so với 2 loài còn lại (0,77cm/7 tháng).
4. THẢO LUẬN
Các lộ trình du lịch sinh thái tuy đã thể hiện nhiều giá trị tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học trong Vườn quốc gia Bái Tử Long nhưng từng lộ trình cụ thể mới chỉ đưa ra được các điểm dừng chân trên tuyến, chưa khái toán được cụ thể giá thành của một người trên từng lộ trình.
Trong số 630 tập đoàn san hô đã được trồng đến hết tháng 11/2020 có tổng số 51 tập đoàn san hô bị chết (trong đó lần kiểm tra vào tháng 7/2020 có 29 tập đoàn, tháng 9/2020 có 42 tập đoàn, và đến tháng 11/2020 tổng số là 51 tập đoàn). Như vậy, tỷ lệ sống của san hô sau 1 năm trồng phục hồi tại hòn Mang Khơi khá cao trung bình đạt 90,6 %.
Tỷ lệ sống giữa các loài được phục hồi cho thấy Goniastrea aspera Verrill, 1866 có tính thích nghi tốt hơn cả đạt tỷ lệ sống cao hơn so với 02 loài còn lại, tỷ lệ sống của loài này sau 03 đợt kiểm tra định kỳ đều ổn định trung bình đạt 98,2%.
So sánh với kết quả chương trình phục hồi san hô cứng tại Hòn Ngang, tỉnh Bình Định năm 2002-2004 (Võ Sỹ Tuấn & cộng sự, 2009) cho thấy san hô trồng phục hồi trên nền san hô chất (tỷ lệ sống cao nhất đạt từ 85-100%), thì san hô cố định trên giá thể bê tông tại Mang Khơi tỷ lệ sống tương đối như nhau không có sự chênh lệch lớn.
Theo các nghiên cứu trước đây của Phân viện Hải dương Học Hải Phòng năm 2003, và trường Đại học Huế năm 2012 và gần đây nhất là trong báo cáo San hô của nhiệm vụ “Nghiên cứu giá trị hệ sinh thái tùng, áng trong lòng núi đá vôi, núi đất xen kẽ núi đá vôi tại Vườn quốc gia Bái Tử Long” cho thấy loài san hô cứng Goniastrea aspera Verrill, 1866 thuộc họ Faviidae Bộ san hô đá Scleractinia có dải phân bố rộng trong vịnh Bái Tử Long, phù hợp với nền đáy, điều kiện sóng gió, thủy triều và dòng chảy tại khu vực hòn Mang Khơi,
Phần trong của giá thể dạng vòm sau khoảng thời gian 3 tháng đã quy tụ được rất nhiều loài sinh vật cư trú như: Cá; giáp xác, trên giá thể đã có nhiều thực vật, nhuyễn thể cùng sinh sống (hải sâm đỏ, cầu gai…).
Một trong các lý do lý giải các tập đoàn san hô đạt được tỷ lệ sống cao như vậy là do việc lựa chọn nguồn giống san hô tại chỗ thích hợp với môi trường địa điểm khu vực khoanh vùng thả (khu vực được thả là khu vực được lựa chọn có nền đáy cứng, và nền đáy là nền có san hô chết) tạo môi trường ổn định và duy trì được tỷ lệ sống cao.
5. KẾT LUẬN
Đã xây dựng được 06 lộ trình có tài nguyên du lịch đặc sắc trong Vườn quốc gia.
Đã tiến hành trồng được tổng số 630 tập đoàn san hô trên 105 giá thể nhân tạo ;
Sau 01 năm trồng phục hồi kết quả cho thấy 03 giống san hô đều có thể sử dụng để trồng phục hồi được và đều có tỷ lệ sống cao đạt từ 89 - 97,6%. Tốc độ tăng trưởng trung bình sau 7 tháng trồng phục hồi đạt 0,95cm/7 tháng, đạt ở mức trung bình đối với các loài san hô ở dạng khối.
Đã cung cấp thí điểm 02 hoạt động:
- Hoạt động lặn ngắm san hô, tìm hiểu đời sống các loài động vật thủy sinh, tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học biển tại hòn Mang Khơi (địa điểm triển khai mô hình)
- Hoạt động câu cá, bắt ốc giải trí tổ chức theo lộ trình 6
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
“Milford Sound Marine Reserve”. Protectedplanet.net.
-
“Marine Protected Areas”. National Ocean Service. National Oceanic and Atmospheric Administration.
-
National Geographic Magazine, January 2011.
-
“CCAMLR to create world's largest Marine Protected Area”. Convention for the Conservation of Antarctic Marine Living Resources.
-
“Explore”. MPAtlas. Marine Conservation Institute.
-
Emily (2014), Marine Protected Areas: A Timeline of MPAs in the U.S.
-
Võ Sĩ Tuấn (chủ biên). Nguyễn Huy Yết & Nguyễn Văn Long (2005), Hệ sinh thái rạn san hô biển Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.
-
Báo cáo tổng hợp Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
-
Đỗ Văn Khương và ctv (2006), Báo cáo khoa học chuyên đề đề tài “Đánh giá nguồn lợi cá rạn san hô ở một số vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển và một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao ở dốc thềm lục địa Việt Nam. đề xuất các giải pháp sử dụng bền vững nguồn lợi”, Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng.
-
Nguyễn Huy Yết (2001), Báo cáo tổng kết đề tài. Đánh giá tiềm năng nguồn lợi của hệ sinh thái san hô vùng biển đảo Đông Bắc Việt Nam, đề xuất định hướng sử dụng bền vững.
-
Phạm Trung Lương, Nguyễn Tài Cung (1997), Tổ chức hoạt động du lịch trong các khu bảo tồn thiên nhiên". Tuyển tập báo cáo Hội thảo quốc gia"Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn các khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam".
-
Phạm Trung Lương (2002), “Phát triển du lịch sinh thái biển : Những vấn đề về lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam”. Tuyển tập Hội thảo IUCN/UBND Hải Phòng “Phát triển du lịch sinh thái biển Hải Phòng”.
-
http://www.condaopark.com.vn/vn/du-lich-con-dao/detail/tour-xem-rua-de-trung-tai-hon-bay-canh-29.html.
-
http://culaochammpa.com.vn/index.php?option=com_content&view=category&layout=blog&id=46&Itemid=67&lang=vi
-
http://www.vtr.org.vn/khu-bao-ton-bien-hon-mun.html.
Tác giả: Phạm Xuân Phương và các thành viên
Lượt xem: 4163
|