Đa dạng sinh học động vật đáy tại hệ sinh thái rừng ngập mặn tại vụng Cái Quýt của Vườn quốc gia Bái Tử Long
17/07/2020 04:12:10 PM
Rừng ngập mặn(RNM) là hệ sinh thái quan trọng có năng suất sinh học cao, nguồn tài nguyên quý giá của Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Ngoài khả năng cung cấp các Lâm sản có giá trị (gỗ, củi, tanin,...), thức ăn, nguồn dược liệu như các rừng nội địa mà còn có vai trò quan trọng trong việc cung cấp mùn bã hữu cơ, nuôi dưỡng các động vật thủy sinh, trong đó có nhiều loài hải sản có giá trị cao; cũng là nơi cư ngụ, là bãi đẻ của các loài tôm, cua, cá,...nơi làm tổ của nhiều loài chim di cư và ong. Đặc biệt còn có tác dụng trong việc bảo vệ, giữ vững diện tích bãi bồi, chống xói lở, bào mòn do sóng, thủy triều, gió, bão….
Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cái Quýt trong Vườn quốc gia Bái Tử Long nằm ở phía tây đảo Ba mùn thuộc địa giới hành chính xã Minh Châu, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Diện tích khu rừng ngập mặn rộng khoảng 26ha, với độ tàn che 0,6. Khu rừng nằm trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới gió mùa; vào mùa hè chịu sự tác động của gió mùa tây nam, mùa đông chịu sự tác động của gió mùa đông bắc và các cơn bão Thái Bình Dương từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Do được hình thành trên nền địa chất giữa khu nền đá Karst và đất nên có tính đặc biệt rất riêng khác so với rừng ngập mặn bồi tụ cửa sông, vì vậy quần tụ nhiều loài sinh vật biển đặc trưng của vùng như: Ngán Austriella corrugata, ốc tai , Vạng, Bông thùa, ...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2020, Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long tiến hành điều tra giám sát, nghiên cứu đa dạng sinh học động vật đáy hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Vụng Cái Quýt. Đợt nghiên cứu này có sự chủ trì tham gia của Phòng Bảo tồn biển, đất ngập nước; sự phối hợp của Kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Lách chè, cán bộ chiến sỹ Bộ đội đóng quân trên địa bàn. Bước đầu đã ghi nhận được kết quả cân trọng lượng các loài thân mềm Một mảnh vỏ 25,1g/m2, mật độ 9.6con/m2; Hai mảnh vỏ đạt: 145,2g/m2, mật độ 15,1con/m2; Giáp xác: 6,75g/m2, mật độ: 4,87con/m2; Giun: 6,8g/m2, mật độ: 12,5con/m2. Trong đó loài được đánh giá chiếm ưu thế lớn nhất là Vạng gà, loài có giá trị kinh tế cao là loài Ngán Austriella corrugata.
Từ kết quả trên có thể kết luận trong tầng đáy Hệ sinh thái rừng ngập mặn tại vụng Cái Quýt có sinh lượng rất cao, minh chứng về môi trường vật chất có hàm lượng mùn bã hữu cơ dinh dưỡng rất phù hợp để sinh vật đáy sinh trưởng và phát triển. Đây là nhiệm vụ thường niên, có ý nghĩa quan trọng trong giám sát theo dõi và đánh giá đa dạng sinh học của các hệ sinh thái biển. Vì vậy cần định kỳ có các kế hoạch cho các đợt nghiên cứu nhằm hệ thống hóa dữ liệu về môi trường và về các đối tượng là những loài hải sản đáp ứng về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn lợi trong tương lai cũng như theo dõi biến động về sinh vật lượng của động vật đáy trong hệ sinh thái quan trọng này. Từ đó có những khuyến cáo bảo tồn phù hợp với tình hình, để các loài có điều kiện thuận lợi sinh trưởng và phát triển ổn định.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRA GIÁM SÁT





Tác giả: Phạm Xuân Hiệu
Lượt xem: 1394
|