Triển khai kế hoạch Kiểm tra Mô hình bảo tồn gen Ốc đĩa (Neriata balteata, reeve 1955) tại Vườn quốc gia Bái Tử Long
05/11/2024 04:09:02 PM
Thực hiện Kế hoạch số 617/KH-VQG, ngày 10/10/2024 của Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long về duy trì và phát triển mô hình bảo tồn nguồn gen Ốc đĩa tại Vườn quốc gia Bái Tử Long đợt 4 năm 2024. Phòng Bảo tồn biển, đất ngập nước đã chủ trì thực hiện Kiểm tra Mô hình bảo tồn gen Ốc đĩa tại vụng Cái Quýt thuộc đảo Ba Mùn. Tổ kiểm tra gồm 03 thành viên đã tiến hành tới hiện trường để đo đếm, thu thập số liệu theo dõi định kỳ của loài trong năm.
Hình ảnh: Mô hình Bảo tồn nguồn gen Ốc đĩa Nerita balteata (Reeve, 1855) tại Vụng Cái Quýt.
Mục tiêu mà tổ đã đặt ra là theo dõi sinh trưởng, sinh vật lượng loài Ốc đĩa Nerita balteata Reeve, 1855 tại Mô hình Bảo tồn gen ốc đĩa Vườn quốc gia Bái Tử Long. Tổ công tác đã áp dụng các phương pháp điều tra trên tuyến lập tuyến giám sát: Trên khu rừng ngập mặn lập 03 tuyến; các tuyến được đặt vuông góc điều tra với rừng và xuyên qua các kiểu rừng rậm, rừng trung bình và rừng thưa (để đảm bảo tính đại diện: Tuyến 1 xuyên qua các kiểu rừng rậm nhất, tuyến 2 xuyên qua các kiểu rừng trung bình, tuyến 3 xuyên qua các kiểu rừng thưa); sử dụng dây để lập các tuyến theo sơ đồ; khoảng cách giữa các tuyến phụ thuộc vào
diện tích của khu rừng song các tuyến có khoảng cách tối thiểu là 10m. Độ dài của tuyến thu mẫu phải nằm trên khu rừng và vượt mép rừng 20m để phục vụ mục tiêu thu mẫu so sánh trong rừng và ngoài rừng. Vị trí tuyến được được ghim đánh dấu và được mô tả trên định vị vệ tinh GPS, cọc mốc, biển báo để các năm tiếp theo giám sát.
Hình ảnh: Ô thu mẫu (1m2) tại Vụng Cái Quýt
Trên các tuyến đã lập, xác định và đặt 04 ô mẫu/tuyến, mỗi ô có kích thước dài 1m, rộng 1m; đặt 01 ô mẫu ở đầu tuyến giám sát, 01 ô mẫu ở giữa tuyến giám sát, 01 ô mẫu ở vị trí mép rừng và 01 ô mẫu ở ngoài nơi không có thực vật rừng ngập mặn phân bố, tổng số 12 ô thu mẫu; vị trí các ô thu mẫu phải được đánh số thứ tự bằng thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu GPS.
Tiến hành thu mẫu bằng cách thu gom các cá thể Ốc đĩa Nerita balteata Reeve, 1855 có phân bố trên bề mặt hoặc trên thân cây trong ô thu mẫu; Sau khi thu gom và đánh số hiệu vào các túi đựng mẫu, ốc được cân trọng lượng(g) và đo chiều cao sinh trưởng (mm), được tổng hợp vào phiếu điều tra; xử lý số liệu nhanh được kết quả là: Ở Tuyến số 01: Sinh lượng trung bình các ô mẫu từ 1,42 – 10,76(g); chiều cao trung bình các ô mẫu từ 15,53 – 29,13 (mm); Trong tuyến số 02 có sinh lượng trung bình các ô mẫu từ 2,96 – 9,53(g); chiều cao trung bình các ô mẫu từ 23,2 – 30,4 (mm); Đối với tuyến số 03 sinh lượng trung bình các ô mẫu đạt từ 1,57 – 8,85(g); chiều cao trung bình từ 16,3 – 29,7 (mm);
Hình ảnh: Thu mẫu và ghi chép số liệu mẫu
Kết quả kiểm đếm, cân, đo thu được sinh lượng trung bình của ba tuyến 5,14(g); chiều cao trung bình của ba tuyến 19,1(mm) và mật độ trung bình 3 tuyến 2,17(con).
Hình ảnh: Tổ công tác tiến hành đo mẫu tại Vụng Cái Quýt.
Qua quá trình kiểm tra Mô hình duy trì và phát triển bảo tồn nguồn gen ốc đĩa cho thấy, sinh lượng, chiều cao và mật độ ốc thay đổi không đáng kể. Đối với lần thu mẫu này đoàn thu được ít mẫu ốc con hơn nhưng bù lại đoàn đã phát hiện ra rất nhiều cá thể ốc có vòng đời phát triển rất rõ ràng.
Điều này chứng minh khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 là khoảng thời gian ốc sinh trưởng và phát triển tốt.
Ốc đĩa Nerita balteata Reeve, 1855 là một loài ốc có giá trị kinh tế cao, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng quan trọng, tốt cho sức khoẻ và tim mạch.
Hình ảnh: Ốc đĩa Nerita balteata (Reeve, 1855) trong ô mẫu.
Nội dung theo dõi mô hình là công việc cần thiết để nắm bắt được sự sinh trưởng và phát triển của loài ốc đĩa. Vườn quốc gia Bái Tử Long duy trì định kỳ triển khai theo các đợt hàng năm về nguồn gen có giá trị kinh tế này.
Tác giả: Nguyễn Đức Thắng
Lượt xem: 64
|