Thu thập mẫu sinh vật biển phục vụ trưng bày tại Bảo tàng Đa dạng sinh học - Vườn quốc gia Bái Tử Long
19/04/2024 08:37:40 AM
Thực hiện Kế hoạch số 206/KH-VQG ngày 03/4/2024 của Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long, Phòng Bảo tồn biển, đất ngập nước đã triển khai thu thập mẫu sinh vật biển phục vụ trưng bày tại Bảo tàng Đa dạng sinh học tại vùng biển các khu vực: Soi nhụ, Cái Lim, Hòn vành, Ba Mùn, Lách Chè.
Phương pháp thu mẫu được sử dụng chủ yếu bằng hình thức câu và đánh lưới, lựa chọn thời điểm buổi sáng khi mặt trời bắt đầu lên hoặc thời điểm thay đổi thủy triều đảo nước lên/xuống, đây là lúc cá hoạt động mạnh để kiếm mồi; ngoài ra còn phối hợp với ngư dân làm nghề đánh lưới cá trong phân khu dịch vụ - hành chính Vườn quốc gia để thu mẫu.
Đối với mẫu cá sống thì sử dụng văng tàu (ô trong tàu có vách ngăn và nguồn nước lưu thông với nước biển), túi lưới đựng cá để nuôi cá trong những ngày thu mẫu. Đối với các mẫu cá bị chết thì được xử lý kịp thời bằng hoá chất hoặc ướp bằng đá lạnh trong thùng xốp bảo quản. Hóa chất xử lý mẫu được xử dụng gồm: Foocmaline 10% hoặc Alcohol 70%. Các mẫu thu được sau khi chuyển về Bảo tàng Đa dạng sinh học sẽ được xử lý ngay nhằm tránh bị phân hủy do nhiệt độ môi trường và cũng để đảm bảo màu sắc sinh động.
Chế tác sơ bộ sau khi mẫu được thu thập về
Các mẫu cá được lựa chọn đưa vào xử lý đều phải còn nguyên vẹn, có đầy đủ các đặc điểm để sử dụng trong nghiên cứu phân loại học; để xử lý mẫu cá có hình dáng đẹp, có tư thế tự nhiên cần cố định tư thế mẫu (dùng kim băng ghim căng trên nền xốp và cố định vây cá bằng dung dịch Foocmaline 10%, thân cá được quét bằng các lượt Foocmaline cho đến khi phần da cá đủ cứng). Đối với các mẫu cá có kích thước lớn cần được bỏ nội quan và tiêm Foocmaline vào các phần có mô và thịt dày trước khi ngâm mẫu.
Kết thúc đợt thu mẫu, đã thu thập được 40 cá thể của 10 loài cá biển như: Cá Song nang Epinephelus areolatus; cá Đù Larimichthys polyactis; cá Chỉ vàng Selaroides leptolepis; cá Nhám Squalus brevirostris Tanaka – Heterodontus zebra Gray; cá Đối đất Chelon Subviridis; cá Đối buôi Mugil Cephalus-Linnaeus, 1758; cá Dìa công Siganus guttatus; cá Dẫn; cá Nóc tro Lagocephalus lunaris (Bloch & Schneider, 1801); cá Sơn thóc Priacanthus tayenus. Bên cạnh đó, đoàn công tác đã thu được các giá thể như: Đá hộc 30 viên (khoảng 3-5cm); San hô cành 30 mẫu.
Trong đợt thu thập mẫu vật biển, mặc dù thời tiết có lúc chưa thuận lợi, nhiệt độ, thời gian cá đi kiếm ăn nhưng với tinh thần yêu nghề, yêu khoa học, yêu công tác bảo tồn, Đoàn công tác đã vượt qua những khó khăn để hoàn thành khối lượng công việc trong kế hoạch đã đề ra. Đây là nhiệm vụ hàng năm, là cơ sở để đề xuất giám định và bổ sung các loài vào danh lục sinh vật biển của Vườn quốc gia Bái Tử Long, đồng thời góp phần từng bước thu thập, hoàn thiện hệ thống mẫu sinh vật biển trưng bày phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và tuyên truyền.
Dưới đây là một số hình ảnh trong đợt thu thập mẫu vật biển:
Căng và cố định mẫu cá bằng ghim chuyên dụng
Các mẫu cá được định hình trước khi quét Foocmanline 10%
Thân cá được quét Foocmaline 10% cho đến khi phần da cá đủ cứng
Giá thể Đá hộc và San hô cành được xử lý sạch bằng nước ngọt trước khi đem phơi khô trong bóng râm
Tác giả: Nguyễn Hải Phong
Lượt xem: 191
|