Một số quần thể, thực vật cổ thụ tại Vườn quốc gia - Vườn Di sản Asean Bái Tử Long cần được tôn vinh và phát huy giá trị
07/02/2024 01:47:16 PM
Ngày 30/10/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Trong đó có nhiệm vụ, giải pháp “Khẩn trương kiểm kê, rà soát, lập hồ sơ đăng ký công nhận Cây Di sản Việt Nam”.
Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện chức năng về quản lý, bảo vệ, bảo tồn phục hồi và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng, biển, các hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên phục vụ mục tiêu nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển kinh tế bền vững với các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái, kinh tế biển theo quy định của Chính phủ trong phạm vi ranh giới Vườn quốc gia – Vườn Di sản Asean Bái Tử Long. Trong số các nhiệm vụ được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho, nhiệm vụ về điều tra, giám sát đa dạng sinh học định kỳ được thường xuyên thực hiện mang lại những kết quả nhất định nhằm phản ánh một cách tương đối đầy đủ về hiện trạng tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt là tài nguyên rừng, trong đó kết quả về điều tra, kiểm kê các loài cây gỗ lớn tại Vườn quốc gia -Vườn Di sản Asean Bái Tử Long trong nhiều năm qua là tiền đề để đề xuất việc lập Hồ sơ công nhận Cây Di sản Việt Nam đảm bảo theo các tiêu chí hiện hành).
Trên cơ sở kết quả điều tra, kiểm kê một số loài thực vật cổ thụ phân bố trong Vườn quốc gia Bái Tử Long, có một số quần thể cơ bản đáp ứng được các tiêu chí đề nghị công nhận Cây Di sản Việt Nam:
Loài Trâm vỏ đỏ, tên thường gọi là Tâm, danh pháp khoa học là Syzygium zeylanicum (L.) Dc, thuộc họ Sim (Myrtaceace), cây mọc phân bố tự nhiên trên đảo núi đất tại Tiểu khu 201 đảo Ba Mùn.
Đây là cây gỗ có kích thước trung bình; nhành màu vàng cam, thường nứt vỏ. Lá xoan, tròn hay tù ở gốc, đầu nhọn dài, tù, dài 6-10cm, rộng 25-40mm, sáng bóng và nhạt ở trên, nhạt màu hơn và có khi có bột ở dưới; gân phụ cách nhau cỡ 5mm, gân mép cách mép 2mm; cuống lá rất ngắn. Cụm hoa ở nách và ở ngọn, gần như dạng bông, gồm 3-5 hoa gần như không cuống; lá đài cao 1mm; cánh hoa trắng dính nhau và rụng một lượt. Quả hình cầu, có sáp, màu trắng, đường kính 7mm. Hạt đơn độc, dài 4-5mm. Hoa tháng 3-4, quả tháng 6-7.
Tại khu vực đảo Ba Mùn – Vườn quốc gia Bái Tử Long đã ghi nhận sự xuất hiện của cây Trâm vỏ đỏ có chu vi lên tới 350cm với niên đại ước tính khoảng trên 300 năm tuổi. Trên thế giới, loài này phân bố ở phía Nam Ấn Độ, Malaysia tới Indonesia. Tại Việt Nam, chỉ gặp ở các tỉnh phía Nam trong quần thể các cây thứ sinh ở vĩ độ thấp dưới 1000m từ tỉnh KonTum vào các tỉnh phía Nam.
Loài Trai lý, tên thường gọi là Trai, Mần lái, danh pháp khoa học là Garcinia fagraeoides A.Chev, thuộc họ măng cụt (Clusiaceae), cây mọc tự nhiên trên đảo núi đát vôi thuộc Tiểu khu 201 đảo Máng Hà.
Đây là cây sinh trưởng chậm, ưu sáng, thường mọc trên vùng núi đá vôi, rễ phát triển ăn sâu vào các khe và hốc đá. Mùa ra hoa từ tháng 3 đến tháng 4, quả chín từ tháng 8 đến tháng 9. Cây phân bố trên các dãy núi đá vôi ở miền Bắc và miền Trung. Gỗ và giác lõi phân biệt rõ, giác màu vàng nhạt, lõi màu nâu sâm, rắn, nặng, không bị mối mọt, chịu được dưới đất ẩm lâu ngày, có thể dùng làm nhà, bắc cầu, đồ mỹ nghệ. Tại di tích cấp quốc gia đặc biệt đình Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn, hệ thống cột, kèo tại Đình từ xa xưa ông cha ta sử dụng từ gỗ cây Trai lý. Tại Vườn quốc gia Bái Tử Long ghi nhận một số quần thể cây Trai lý cổ thụ, trong đó cây có chu vi lớn nhất trên 350cm với niên đại ước tính khoảng trên 500 năm tuổi.
Quần thể rừng Trâm mốc, tên thường gọi là Tâm, ngoài ra “thần mộc giữ làng” cũng là tên gọi mà người dân trên xã đảo Minh Châu rất coi trọng, danh pháp khoa học là Syzygium cumimi, thuộc họ Sim (Myrtaceace), quần thể rừng Trâm mốc mọc tự nhiên trên cát tại Tiểu khu 209.
Rừng cây Trâm mốc phân bố gần như thuần loài tại khu vực bãi biển Minh Châu, Đây là nét độc dáo vừa tạo cảnh quan vừa bảo vệ môi trường giữ đất, chống xói lở, chống xâm thực của gió bão và sóng biển; tạo bóng mát cho người dân trong khu vực cũng như du khách đến với Minh Châu và Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Từ rất nhiều đời nay RỪNG TRÂM ĐÃ TỒN TẠI và hiện nay vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Cộng đồng địa phương xã Minh Châu coi rừng Trâm như là “thần mộc giữ làng”, một sinh cảnh gắn liền với nhiều thế hệ và từ lâu đã trở thành biểu tượng linh thiêng gắn với đồng sống thường ngày và tâm linh của nhân dân xã đảo, vào thời kỳ nạn đói năm 1945, quả Trâm chính là nguồn lương thực cứu đói người dân xã đảo. có chiều dài gần 1km. Theo thông tin từ các cụ trong làng, rừng Trâm đã hình thành từ rất lâu đời, trải qua ít nhất 5-6 thế hệ, các cây Trâm ở đây được người dân xã đảo rất quý trọng và giữ gìn như một tài sản của gia đình và cả cộng đồng. Tại thời điểm điều tra, rừng Trâm có rất nhiều quả, theo thông tin từ một số hộ gia đình, cứ trung bình khoảng 2 năm thì Trâm mới cho quả một lần, thời điểm cây Trâm ra hoa từ tháng 11 và quả chín vào thời điểm tháng 1 của năm kế tiếp. Quả Trâm có thể sử dụng như một loại thực phẩm và cũng có thể ngâm rượu để uống, tốt cho sức khỏe.
Chương trình “Bảo tồn Cây di sản Việt Nam” là một hoạt động có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc nhằm công nhận và vinh danh các cá nhân, tổ chức đã tôn tạo, gìn giữ và bảo vệ các loài cây cổ thụ, các loài cây nguy cấp, quý, hiếm gắn với quá trình hình thành và phát triển tại cộng đồng địa phương, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học tại mỗi khu vực.
Với những giá trị hiện có, việc đề xuất công nhận một số loài thực vật cổ thụ (loài cây Trâm vỏ đỏ, Trai lý) và quần thể rừng cây Trâm mốc trở thành Cây Di sản Việt Nam sẽ góp phần nâng cao hơn nữa giá trị về mặt tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia– Vườn di sản ASEAN Bái Tử Long để từ đó làm cơ sở cho việc tiếp tục nâng cao hơn nữa hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chung tay gìn giữ các giá trị tài nguyên trong khu vực Vườn quốc gia; đồng thời, với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long sẽ giúp lan toả hơn nữa về ý nghĩa, giá trị nhân văn trong Chương trình bảo tồn Cây di sản Việt Nam đến đông đảo cộng đồng về ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Ngoài ra, nếu được công nhận là Cây Di sản Việt Nam sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp lữ hành định hướng việc hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm tham quan hệ sinh thái rừng với điểm đến là Cây Di sản, Rừng Di sản để quảng bá, tôn vinh và phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên tại Vườn quốc gia - Vườn di sản ASEAN Bái Tử Long và góp phần hoàn thành nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã đề ra.
Tác giả: Phạm Quốc Việt
Lượt xem: 787
|