Hoạt động điều tra, giám sát cỏ biển tại Vườn quốc gia Bái Tử Long
19/11/2024 09:02:21 AM
Hoạt động của con người ngày càng gia tăng ở vùng ven biển đang trở thành nguyên nhân chính làm thay đổi hệ sinh thái cỏ biển như: thuyền bè neo đậu, khai thác bừa bãi, các công trình xây dựng ở các khu vực ven biển… Thông qua đó con người tác động lên chất lượng nước và trầm tích những yếu tố ảnh hưởng đến sự sống của cỏ biển; đồng thời, làm thay đổi lưới thức ăn trong môi trường biển mà cỏ biển là một mắt xích quan trọng. Hoạt động du lịch khu vực xung quanh Vườn quốc gia cũng gây ra áp lực lớn cho các thảm cỏ biển cận kề do sự tăng độ đục và các chất dinh dưỡng xâm nhập bởi sự đi lại của tàu thuyền cũng như hoạt động giao thông hàng hải. Đô thị hóa ven bờ biển cũng liên quan đến đổ cát, đất khi xây dựng, tăng xói lở bờ biển là vấn đề chính ở những vùng biển du lịch và ảnh hưởng đến thảm cỏ biển và các hệ sinh thái khác
Giám sát cỏ biển tại Cái Lim
Do thảm cỏ biển rất dễ bị tổn thương do nhạy cảm với sự biến đổi của môi trường nước và suy giảm đi nhanh chóng khi môi trường bị tác động mạnh. Vì vậy nghiên cứu hệ sinh thái này cũng góp phần đánh gia trực quan đối với môi trường bao quanh khu vực
Điều tra cỏ biển tại Cái Đé
Theo các kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học biển Vườn quốc gia Bái Tử Long trước đây (trường ĐH Huế, năm 2011), thống kê cho thấy tại các khu vực biển ven bờ của Bái Tử Long có 02 loài: Cỏ xoan (Halophila ovalis (R. Br.) Hook.f) và Cỏ lươn Nhật (Zosteria) các vùng nghiên cứu độ phủ của cỏ biển đạt từ bậc 4- bậc 5 (% độ phủ bậc 4 từ 25-50%, bậc 5 từ 50-100%). Theo kết quả điều tra của nhiệm vụ “Nghiên cứu giá trị hệ sinh thái tùng, áng trong lòng núi đá vôi, núi đất xen kẽ núi đá vôi tại vườn quốc gia Bái Tử Long” trong 04 tùng, áng điều tra xác định chỉ có tùng Cái Lim và áng Cái Đé là có ghi nhận có cỏ biển phân bố; mỗi tùng, áng đều ghi nhận được cả hai loài cỏ biển. Còn tùng Soi Nhụ và áng Cái Lim không ghi nhận có cỏ biển phân bố. Cả hai loài cỏ biển được xác định tại 4 tùng, áng lựa chọn nghiên cứu là cỏ Xoan (Halophila ovalis) và cỏ Lươn Nhật (Zostera japonica) đều là những loài cỏ có kích thước nhỏ, thích ghi với điều kiện nước tù đọng, ít trao đổi. Cỏ biển phát triển được ở các vũng áng, trong các đầm nuôi trồng thủy sản và trong rừng ngập mặn ven biển. Về độ phủ cỏ biển phân bố tại tùng Cái Lim và áng Cái Đé cho thấy, độ phủ trung bình cỏ biển đạt 33,4 ± 7,0 %; trong đó tùng Cái Lim độ phủ cỏ biển là từ 34,1 ± 6,6 %; áng Cái Đé có độ phủ cỏ biển đạt 32,6 ± 7,4 %
Điều tra cỏ biển tại Chương Di
Vườn quốc gia Bái Tử Long, thực hiện điều tra, phân bố và giám sát cỏ biển từ năm 2023 đến tháng 6/2024 tại các địa điểm điều tra cỏ biển xuất hiện và sinh trưởng phát triển không nhiều: Các khu vực đã tiến hành điều tra, phân bố dưới mực nước triều gồm: Đông Ma, Ổ Lợn to, Ổ Lợn con, Chương Di, Lách Chè, hòn Chín với trên 40 vị trí, đã xác định diện tích sơ bộ khoảng gần 7.000 m2, chủ yếu là 02 loài Cỏ xoan và Cỏ lươn nhật. Vị trí cỏ biển phân bố được xác định phân bố tập trung từ vùng triều thấp đến độ sâu 1-3 m nước dưới 0 m hải đồ. Đặc trưng phân bố cỏ biển đây chủ yếu là các bãi cỏ biển đơn loài, phân bố hẹp với diện tích phân bố nhỏ, rải rác, độ phủ cỏ biển trung bình thấp.
Trong kết quả giám sát độ phủ tại khu vực Cái Lim bằng khung định lượng đặt ngẫu nhiên trên các mặt cắt giám sát cỏ biển trung bình đạt 1,8%, so sánh với kết quả giám sát năm 2023 giảm gần 4 lần (7/2023 đạt 7,70%). Về sinh lượng nguồn lợi cỏ biển trung bình đạt 2,98g/m2 so với kết quả đánh giá độ phủ tại thời điểm giám sát tháng 7/2023 đạt trung bình 7,70%, tại thời điểm tháng 6/2024 đạt 2,98% thấp hơn 2,5 lần so với kết quả giám sát thời điểm tháng 7/2023.
Kết quả trên cho thấy độ phủ và sinh lượng cỏ biển đang giảm dần theo thời gian, tuy nhiên đây chỉ là kết quả theo dõi ban đầu sau 2 đợt giám sát, cần có những chương trình điều tra, giám sát theo dõi đủ dài mới có cơ sở đánh giá thực tiễn, tuy nhiên trong thời gian tới cần cần triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ tàu, thuyền thường xuyên đi qua các khu vực phân bố cỏ biển trong ranh giới Vườn quốc gia Bái Tử Long quản lý
Tác giả: Trần Hoài Nam
Lượt xem: 370
|