Bảo tồn đa dang sinh học tại vườn quốc gia Bái Tử Long
01/11/2024 03:12:44 PM
Năm 2001, Vườn quốc gia Bái Tử Long được thành lập trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn. Đây là một trong 7 vườn quốc gia có tiềm năng rất lớn về mặt sinh thái học với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng
Vườn quốc gia Bái Tử Long nằm trong địa giới hành chính 3 xã: Minh Châu, Vạn Yên và Hạ Long (huyện Vân Đồn) với tổng diện tích 15.783ha, trong đó có 6.125ha là diện tích đảo nổi và 9.658ha là diện tích mặt nước biển chia thành 3 cụm đảo chính gồm: Ba Mùn, Trà Ngọ và Sậu..
“Hệ sinh thái trên đảo Ba Mùn mang đặc trưng rất riêng của hệ sinh thái rừng lá rộng, khác biệt với các hệ sinh thái khác ở Quảng Ninh. Các bạn bảo tòn rất tốt, có những khu vực rừng nguyên sinh hàng trăm năm đã được gìn giữ. Có thể nói đây là những giá trị rừng sinh thái không chỉ của vườn quốc gia này mà của cả Việt Nam”, Tiến sĩ Kuznetsov, Tổng giám đốc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, đơn vị từng nghiên cứu đa dạng sinh học tại vườn quốc gia, đánh giá.
Các khối nhũ đá
Theo kết quả điều tra và thống kê của các nhà khoa học, hiện nay, Vườn quốc gia Bái Tử Long có 2.415 loài sinh vật, trong đó động thực vật rừng có 1.195 loài và 1.220 loài sinh vật biển. Đặc biệt tổng số loài đã được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới là 108 loài, tiêu biểu như: Rùa biển, vích, cá heo, lim, táu, sến... Với sự đa dạng sinh học, năm 2017, Vườn quốc gia Bái Tử Long được công nhận là Vườn di sản thứ 38 của ASEAN (tính đến nay, đây là vườn di sản ASEAN đầu tiên và duy nhất của tỉnh Quảng Ninh). Theo ông Phạm Quốc Việt, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Bái Tử Long hiện nay có những loại cây như trâm vỏ đỏ 300 năm tuổi, cây trai lý 500 năm tuổi, cùng quần thể hàng trăm cây trâm mốc cổ… đều đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.
“Để phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học trên cơ sở kết quả của việc tuần tra, kiểm soát, cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học tại vườn quốc gia nhằm khôi phục và phát triển các hệ sinh thái này, thông qua đó nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương để phát triển du lịch sinh thái do Vườn đề xuất”, ông Việt chia sẻ.
Nghiên cứu khoa học tại vườn quốc gia nhằm khôi phục và phát triển các hệ sinh thái
Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng đi đôi với bảo tồn các loài động vật, thực vật quý là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vì vậy, thời gian qua, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã triển khai nhiều giải pháp: thường xuyên thực hiện tuyên truyền trong nhân dân về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (Luật Lâm nghiệp); công tác bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, hiểu biết pháp luật để hạn chế tác động vào rừng, hạn chế khai thác rừng, săn bắt động vật hoang dã…Ông Bùi Hữu Cường, Phó Hạt trưởng hạt kiểm lâm, Vườn quốc gia Bái Tử Long cho biết, sự phối hợp của người dân đã giúp công tác bản tồn giá trị sinh học đạt hiệu quả bền vững.
“Theo đánh giá những nơi còn rừng trâm như ở đây còn rất ít, đây được gọi là quần thể rừng trầm quần loài, từ khi thành lập vườn đến nay, Ban quản lý Vườn quốc gia nhận được sự hỗ trợ của xã Minh Châu, và toàn thể nhân dân trong việc bảo vệ, chống xâm hại, không để rừng trâm này bị ảnh hưởng”.
Công tác tuần tra, bảo vệ rừng
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng
Ngoài việc bảo vệ rừng theo những phương pháp truyền thống, gần đây Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long đã đưa ứng dụng GPS và ứng dụng phần mềm SMART vào thực hiện nhiệm vụ. Nhờ ứng dụng này giúp công tác tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bái Tử Long ngày càng phát huy hiệu quả. Trong 2 năm gần đây, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long không ghi nhận trường hợp nào liên quan đến vi phạm chặt phá, đốt rừng, hiện, tỷ lệ che phủ rừng tại Vườn quốc gia Bái Tử Long đạt trên 90%.
Giám sát đa dạng sinh học
Bảo tồn hệ sinh thái rừng
Tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái rừng, biển gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo khả năng quản lý phát triển du lịch theo các quy định bảo tồn. Ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long cho biết, bên cạnh việc quản lý chặt chẽ, chống xâm hại, bảo tồn phát huy các giá trị, Ban quản lý xác định cần phát huy phát triển bền vững dựa trên 2 hướng là phát triển du lịch sinh thái rừng và biển, trên cơ sở phát huy bảo tồn chặt chẽ 6 hệ sinh thái rừng và biển nơi đây để có được sản phẩm du lịch biển đảo cao cấp… du lịch rừng và ngắm các đảo đá vôi, đảo đất…
Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường quản lý bảo vệ rừng, gìn giữ và bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ với các hoạt động cứu hộ, nuôi dưỡng, bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; ngoài ra Ban sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, cộng đồng dân cư về quản lý đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
Trích nguồn báo: VOV2
Lượt xem: 60
|