Điều tra, giám sát động vật đáy trong hệ sinh thái rừng ngập mặn năm 2022 tại Vườn quốc gia Bái Tử Long
11/05/2022 08:13:12 AM
Rừng ngập mặn (RNM) là hệ sinh thái quan trọng, nguồn tài nguyên quý giá của Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Ngoài khả năng cung cấp các lâm sản có giá trị (gỗ, củi, tanin,...), thức ăn, nguồn dược liệu như các rừng nội địa mà còn có vai trò quan trọng trong việc cung cấp mùn bã hữu cơ, nuôi dưỡng các động vật thủy sinh, trong đó có nhiều loài hải sản có giá trị cao; cũng là nơi cư ngụ, là bãi đẻ của các loài tôm, cua, cá,...nơi làm tổ của nhiều loài chim di cư và ong. Đặc biệt còn có tác dụng trong việc bảo vệ, giữ vững diện tích bãi bồi, chống xói lở, bào mòn do sóng, thủy triều, gió, bão….
Thực hiện Kế hoạch số 106/KH-VQG ngày 04/4/2022 giám sát đa dạng sinh học động vật đáy hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Bái Tử Long năm 2022”, từ ngày 06 – 07/4/2022, phòng Bảo tồn biển, đất ngập nước đã chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm tổ chức giám sát đa dạng sinh học động vật đáy trong hệ sinh thái rừng ngập mặn tại vụng Cái Quýt thông qua việc thiết lập 20 ô định vị (01m2/ô), thu mẫu sinh vật trên nền đáy và sàng lọc mấy mẫu bằng dụng cụ có kích thước mắt lưới 2x2 mm, khối lượng sàng lọc: 10x100x100 cm). Kết quả thu được như sau:
(1) Ngành động vật thân mềm với hai lớp chiếm ưu thế: Lớp 2 mảnh vỏ (Bivalvia) có khối lượng trung bình đạt 147,599gam/m2 và số lượng cá thể trung bình đạt 34,65con/m2; Lớp một mảnh vỏ (Gastropoda) đạt: 54,5con/m2; 93,694gam/m2; loài Sên trần (lư biển Onchidium sp.) có khối lượng trung bình đạt 0,731gam/m2, số lượng cá thể trung bình đạt 0,1con/m2.
(2) Ngành Giáp xác: Có khối lượng trung bình đạt 8,48gam/m2 và số lượng cá thể trung bình đạt 2,4con/m2.
(3) Ngành Da gai: Trong đó lớp hải sâm có khối lượng trung bình đạt 1,735gam/m2; số lượng cá thể trung bình đạt 0,2con/m2.
(4) Ngành giun đốt: Có khối lượng trung bình đạt 1,3425gam/m2 và số lượng cá thể trung bình đạt 0,2 con/m2 thuộc lớp giun nhiều tơ.
So sánh sinh lượng và thành phần loài so với năm 2021: Sinh lượng bình quân năm 2022 thấp hơn sinh lượng năm 2021 (khối lượng bình quân năm 2021 là 21,6g/m2, năm 2022 là 12,5g/m2 và số lượng cá thể bình quân năm 2021 là 23,2con/m2, năm 2022 là 4,6con/m2); tuy nhiên về thành phần loài năm 2022 có sự phong phú hơn (năm 2022 xuất hiện 06 nhóm loài động vật đáy, năm 2021 xuất hiện 03 nhóm loài).
Kết quả giám sát đa dạng sinh học động vật đáy trong hệ sinh thái rừng ngập mặn sẽ được phòng Bảo tồn biển, đất ngập nước tiếp tục phân tích để đưa vào báo cáo giám sát đa dạng sinh học biển năm 2022; đặc biệt là việc tra cứu, tổng hợp để đề xuất bổ sung loài Sên trần hay còn gọi là Lư biển (Onchidium sp) và một số loài mới khác vào danh lục loài sinh vật biển của Vườn quốc gia Bái Tử Long. Đồng thời, đây cũng là cơ sở dữ liệu phục vụ công tác đánh giá sự biến động đa dạng sinh học, sinh lượng động vật đáy của Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động giám sát:

Tác giả: Phạm Xuân Hiệu
Lượt xem: 248
|