Giám sát hiện trạng phân bố một số loài cây gỗ lớn đợt 4 năm 2024 tại Vườn quốc gia Bái Tử Long
03/10/2024 03:07:03 PM
Triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2024, Kế hoạch số 639/KH-VQG ngày 29/12/2023 của Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ năm 2024. Tiếp tục nâng cao kỹ năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì thường xuyên các hoạt động về điều tra, giám sát thực vật rừng tại Vườn quốc gia.
Thực hiện Kế hoạch số 540/KH-VQG ngày 29/8/2024 của Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế đã chủ trì triển khai thực hiện công tác giám sát hiện trạng phân bố cây gỗ lớn tại đảo Ba Mùn. Nhằm đánh giá thực trạng, những tác động làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của một số loài cây gỗ lớn trong Vườn quốc gia - Di sản Asen Bái Tử Long.

Thực hiện đo đường kính thân cây tại vị trí D1.3
Từ ngày 02-06/9/2024, Đoàn công tác đã tiến hành giám sát cây gỗ lớn trên 02 tuyến: (1) Tuyến Cát bà Biếng - Trạm Kiểm lâm Ba Mùn, chiều dài tuyến 9,3 km; (2) Tuyến khe suối Cao Lồ (mặt Tây) - Suối Cao Lồ (mặt Đông), chiều dài tuyến 4 km, các nội dung được tiến hành: Dọc theo hai bên tuyến (theo hình xương cá) có chiều rộng 10m mỗi bên (20m cả hai bên) giám sát thực trạng các cây gỗ lớn đã được ghi nhận ở kỳ điều tra, giám sát trước; tiến hành đo đếm các chỉ tiêu của cây như: Chu vi (D1.3), chiều cao vút ngọn (Hvn), chiều cao thân cây dưới cành (Hdc), đường kính tán theo hai hướng (Đông - Tây và Nam - Bắc), tọa độ, phẩm chất cây; ghi chép các số liệu thu thập và mô tả những tác động làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây vào Phiếu giám sát; gắn biển tên (Tên tiếng Việt, tên khoa học, mã QR code có tích hợp các thông tin khoa học về loài cây, logo Vườn QG Bái Tử Long).

Thu thập số liệu vị trí tọa độ cây gỗ lớn
Trên tuyến giám sát, sử dụng máy GPS và điện thoại thông minh có cài phần mền vTools Survey chuyên dùng trong lâm nghiệp để lưu tuyến đường giám sát, tọa độ vị trí các cây gỗ lớn; sử dụng thước dây để đo chu vi cây gỗ lớn tại điểm D1.3 và đường kính tán; thước Blume đo chiều cao (vút ngọn và dưới cành). Các thông số được ghi lại trong Phiếu giám sát đã được chuẩn bị sẵn, thu hái mẫu đối với những cây chưa xác định được tên loài như: Cành, lá, hoa, quả (nếu có). Gắn biển tên và chụp ảnh tư liệu…

Hình ảnh đại diện một số cây gỗ lớn được gắn biển tên
Kết thúc đợt giám sát, đoàn đã hoàn thành theo kế hoạch, giám sát hiện trạng phân bố đối với 37 cây gỗ lớn (thuộc 13 loài, trong đó có 01 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007, Danh lục đỏ Việt Nam, phân hạng EN Ala,c,d) trên 02 tuyến và gắn biển tên cho một số loài.
Ngoài ra trong quá trình giám sát không phát hiện rừng bị xâm hại, các cây gỗ lớn sinh trưởng và phát triển bình thường, không bị sâu bệnh. Việc gắn biển tên cho một số loài thực vật trên đảo Ba Mùn làm tô thêm vẻ đẹp tự nhiên vốn có của rừng; góp phần quảng bá các giá trị tài nguyên thiên nhiên đặc hữu tại Vườn quốc gia – Di sản Asean Bái Tử Long.
Tác giả: Lê Văn Luyến
Lượt xem: 209
|